SĐT Tư vấn: 0234 3817399 Kết nối với chúng tôi:
6 năm trước

Thành công và triển vọng

Thành công của chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng Pháp – Việt liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế -Đại học Huế với Đại học Rennes 1, Cộng hoà Pháp sau 9 năm triển khai đã khẳng định sự phát triển bền vững.
Chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng Pháp – Việt là chương trình đào tạo chính quy theo chuẩn quốc tế, được xây dựng dựa trên sự kết hợp những yếu tố vượt trội của hai nền giáo dục Pháp – Việt nhằm đào tạo những cử nhân ưu tú trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

8 sinh viên xuất sắc được nhận bằng Cử nhân Quốc gia của Đại học Rennes 1
Trong số những sinh viên vừa tốt nghiệp khóa 5 của chương trình (tháng 6/2015), có 8 sinh viên xuất sắc được nhận bằng Cử nhân Quốc gia của Đại học Rennes 1. Trong đó có 1 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhất khoá không những của phía Việt Nam mà còn của Đại học Rennes 1. “Trường hợp tốt nghiệp loại xuất sắc như vậy rất hiếm ngay cả ở bên Pháp. Đây là sự thành công của chương trình và là kết quả của quá trình hợp tác tốt đẹp giữa hai đại học”, giáo sư (GS) Jean Jacques Durand, nguyên Phó Giám đốc Đại học Rennes 1, Điều phối viên chương trình, khẳng định. “Chương trình được duy trì và phát triển như hôm nay chính là nhờ sự tin tưởng lẫn nhau giữa đồng nghiệp hai trường và sự hợp tác bình đẳng giữa hai bên. 9 năm không phải là một thời gian dài nhưng những thành công đạt được là đáng ghi nhận đối với một chương trình liên kết. Những kết quả đạt được là nền tảng và là động lực để phát triển chương trình lên một bước cao hơn nữa”, GS Jean Jacques Durand nói thêm.

Giáo sư Jean Jacques Durand trao Bằng Cử nhân Quốc gia của Đại học Rennes 1 – Cộng hòa Pháp cho sinh viên xếp loại xuất sắc nhất toàn khoá Nguyễn Bùi Diệu Thảo
Ưu điểm nổi bật
Điểm khác biệt lớn nhất và thể hiện tính vượt trội so với các chương trình liên kết khác là: sinh viên khi hoàn tất chương trình đồng thời được cấp hai bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường đại học Kinh tế Huế và Đại học Rennes 1. Trong khi đó, các chương trình liên kết của Pháp với một số trường đại học ở Việt Nam, Úc, Mỹ… chỉ do một bên cấp bằng và cũng không có nhiều sự hợp tác liên kết với trường đại học ở Việt Nam. “Đây là điểm rất quan trọng. Hơn nữa, nội dung của chương trình đã được các GS Pháp cùng trao đổi, nghiên cứu rất kỹ với các giảng viên của Trường đại học Kinh tế Huế để thiết kế tương ứng chương trình ở Việt Nam, đó là một quá trình hợp tác thực sự”, GS Jean Jacques Durand nhấn mạnh.
Theo GS Christophe Tavéra, Phó Giám đốc Hội đồng khoa học, Đại học Rennes 1, điểm nổi bật nhất của chương trình là được thiết kế theo hướng không quá nghiêng về nghiên cứu mà hài hoà giữa lý thuyết và thực hành. Đây cũng là một chương trình kinh tế hiện đại mang chuẩn quốc tế nên sinh viên ra trường có thể ứng dụng ngay vào lĩnh vực ngân hàng hoặc làm việc trong doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính… Những kiến thức của chương trình sẽ giúp sinh viên ra trường có thể phát triển sự nghiệp nhanh chóng và hoà nhập với môi trường thế giới. Một ưu điểm nữa, Tài chính – Ngân hàng là ngành rất nổi tiếng của Đại học Rennes 1 với nhiều GS giỏi. Do đó, sinh viên Việt Nam khi học ngành này có cơ hội được đào tạo bởi những GS uy tín của Pháp.
Nguyễn Bùi Diệu Thảo, sinh viên khoá 5 của chương trình, vừa tốt nghiệp loại xuất sắc của Đại học Rennes 1 và được nhận học bổng thạc sĩ của Chính phủ Pháp – một học bổng rất khó đạt được, chia sẻ: “Là học sinh chuyên Pháp, em rất muốn tiếp tục phát triển vốn tiếng Pháp và mong ước một ngày sẽ được đặt chân đến nước Pháp. Em rất “mê” lĩnh vực tài chính ngân hàng và ước mơ sẽ trở thành chuyên gia tài chính giỏi, nên đã quyết định chọn học chương trình này. Ưu điểm của chương trình là sau 3 năm học tại Việt Nam, nếu học giỏi và khả năng tiếng Pháp tốt sẽ được sang học tại Pháp 1 năm. Sinh viên học cử nhân xong có thể tiếp tục đăng ký học thạc sĩ, tiến sĩ ở Pháp. Đại học Rennes 1 cũng không quá lớn nên thầy cô thể quan tâm giúp đỡ và theo sát sinh viên”. Hoàng Thị Hương Giang, sinh viên khoá 5, tốt nghiệp loại giỏi, cho biết thêm: “Khi mới sang Pháp học em gặp khó khăn về ngôn ngữ và mất khoảng 3-4 tháng để làm quen cuộc sống bên đó. Đại học Rennes 1 có cách làm rất hay để sinh viên tập thích nghi là bố trí chúng em ở với người bản xứ. Về chương trình học, họ bố trí học lý thuyết rất đông nhưng khi học thực hành chỉ 20 người nên thầy cô có thể quan tâm từng sinh viên. Chương trình thực hành rất hữu ích khi giúp sinh viên có thể hiểu rõ phần lý thuyết và ứng dụng vào thực tế. Hiệp hội sinh viên quốc tế và Hội sinh viên Việt Nam tại Rennes thường tổ chức các hội chợ văn hoá, các cuộc thi và lễ hội để sinh viên có thể tìm hiểu văn hoá nước Pháp và các nước. Một năm học bên Pháp thực sự là những trải nghiệm tuyệt vời đối với sinh viên Việt Nam”.
PGS.TS. Phan Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế, Trường đại học Kinh tế Huế. Điều phối viên chương trình, người đã đặt nền móng đầu tiên và theo suốt chương trình này suốt 9 năm qua cho biết, hướng đi tiếp theo của chương trình là tiếp tục mở rộng chương trình hiện tại và phát triển thêm bậc thạc sĩ và tiến sĩ. “Mình khá hài lòng với những thành công đã đạt được khi kết quả học tập của sinh viên ngày càng cao. Tuy nhiên số lượng sinh viên theo học vẫn chưa nhiều là khó khăn lớn nhất. Nguyên nhân có thể là do đa số các em khi vào học đều định hướng sẽ làm việc trong các ngân hàng nhưng những năm gần đây nhu cầu nhân lực ngành này đang suy giảm. Hơn nữa, yêu cầu tiếng Pháp theo quy định của Việt Nam đối với chương trình liên kết nước ngoài ngày càng cao nên một số em không tự tin theo học. Thực tế thì sinh viên tốt nghiệp chương trình không chỉ làm việc ở ngân hàng mà có thể làm việc ở bộ phận tài chính trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, Sở Tài chính, Thuế… Mình rất mong các cơ quan và doanh nghiệp có chính sách phù hợp để sử dụng sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này, bởi thực sự các em có thêm những năng lực mà các chương trình đào tạo khác không có như khả năng hội nhập tốt, chủ động, sáng tạo trong công việc”, PGS. Lý nói.
Ngọc Hà, Báo TTH