SĐT Tư vấn: 0234 3817399 Kết nối với chúng tôi:
2 tháng trước

GẶP GỠ CỰU SINH VIÊN K49 RENNES – GIẢI NHẤT CUỘC THI THIẾT KẾ LOGO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐẠI HỌC HUẾ

 Chào Tuấn Anh. Đầu tiên xin chúc mừng em đã đạt giải nhất cuộc thi thiết kế Logo của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế.

Câu hỏi đầu tiên mình muốn Tuấn Anh chia sẻ là cảm xúc của em như thế nào khi đạt được giải nhất của Cuộc thi thiết kế Logo này?

Vui – Đây là cảm xúc chính xác nhất của em là vui khi biết tin. Dự án đầu tiên liên quan đến Trường là thiết kế băng rôn nhỏ do thầy Thanh Tuấn giao, và bây giờ là logo của Trường, đánh dấu một bước tiến dài. Nhiều Thầy Cô đã chúc mừng em, đặc biệt là cô Hương Lan, Giảng viên Marketing Ngân hàng. Em vui vì đã đóng góp cho Trường không chỉ với tư cách là người dự thi mà còn là một cựu sinh viên, trải qua những năm tháng ở Trường, tốt nghiệp, đổi ngành và trở lại.

Em có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và hành trình đến với cuộc thi thiết kế logo này không?

Em là cựu sinh viên khóa K49 Rennes, Đại học Kinh tế Huế. Sau khi sang Pháp năm thứ 4 và tốt nghiệp, em chuyển sang thiết kế đồ họa và sắp tốt nghiệp thạc sĩ ngành này. Em biết đến cuộc thi từ một số Thầy Cô và mong muốn đóng góp cho Trường nên đã tham gia.

Trần Viết Tuấn Anh – Cựu sinh viên K49 Rennes

Ý tưởng nào đã truyền cảm hứng cho em trong việc thiết kế logo chiến thắng này?

Yêu cầu của cuộc thi là đổi mới, cách tân. Sau khi tìm hiểu logo hiện tại của Trường, em nhận ra logo đã hoàn chỉnh về ý nghĩa, tầm nhìn và sứ mệnh. Vì vậy, em giữ đúng tinh thần đó, tinh giản hình ảnh, tạo ra một logo mới đơn giản nhưng đủ ý, dễ nhớ, dễ liên tưởng và có sự ứng dụng đa dạng.

Mình được biết em cũng tham gia rất nhiều cuộc thi tại Pháp về thiết kế logo và đạt được giải ở nhiều cuộc thi. Chắc chắn mỗi logo thiết kế là một sự tâm huyết của người thiết kế. Vậy Tuấn Anh cho mọi người biết Quá trình từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành logo đã diễn ra như thế nào?

Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp, hội sinh viên Việt Nam tại Rennes, Lyon, Le Mans và nhiều sự kiện khác có quy trình thiết kế logo chung.

Bước đầu tiên là nắm bắt đề bài: phân tích yêu cầu, đối tượng, thời gian sử dụng, tính dài lâu, tổ chức đại diện và các đối thủ để có cái nhìn tổng quát.

Bước thứ hai là tìm ý tưởng: phác thảo tự do dựa trên định hướng của đề tài mà không ràng buộc bởi tiêu chí ban đầu.

Bước thứ ba là chắt lọc ý tưởng: chọn ít nhất 3 ý tưởng đáp ứng yêu cầu, sau đó chắt lọc còn 1 ý tưởng duy nhất.

Bước thứ tư là thử nghiệm: kiểm tra logo trong các trường hợp sử dụng khác nhau để đảm bảo tính nhận diện.

Bước thứ năm là áp dụng toán học: yếu tố cá nhân làm vững chắc logo về hình hoạ, ý nghĩa và bản quyền hình ảnh. (đây cùng là đề tài luận án của em. Bước này có thể nói là mang dấu ấn cá nhân – nó là một yếu tố ẩn, nhưng nó làm vững chắc cho logo về mặt hình hoạ, ý nghĩa và cả bản quyền hình ảnh.)

Bước cuối cùng là hoàn thiện: chọn màu sắc, tỉ mỉ hoàn thiện và minh hoạ sản phẩm.

Ở tất cả các bước, khi gặp vấn đề, em sẽ quay lại từ đầu để đánh giá và có thể làm lại nếu cảm thấy chưa ổn hoặc đi sai hướng. Đây là quy trình chung chung em thực hiện trong thiết kế logo.

Logo đạt giải nhất cuộc thi Thiết kế Logo Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Theo Tuấn Anh, một logo đẹp và ý nghĩa cần có những yếu tố gì?

Logo đại diện cho tổ chức, hội đoàn, hay cá nhân, không chỉ là hình ảnh mà còn thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng của tổ chức đó. Logo phải tinh tế để người xem hình dung được, đơn giản để dễ nhớ và đọng lại lâu hơn.

Logo hiện đại không còn là một hình ảnh duy nhất, mà biến đổi tuỳ theo mục đích sử dụng để đảm bảo tính nhận diện trong từng trường hợp. Do đó, một logo đơn giản về hình hoạ nhưng sâu sắc về ý nghĩa sẽ là lựa chọn tốt nhất để thích ứng với thời đại.

Là một cựu sinh viên của Chương trình Liên kết đào tạo đồng cấp bằng giữa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế và Đại học Rennes, Pháp (trước là Đại học Rennes 1, Pháp), em đã có bước đi riêng và cũng đang khá thành công về con đường mình đã chọn. Vậy em có muốn gửi gắm điều gì đến các bạn sinh viên những khóa sau cũng như kinh nghiệm học tập và quyết định rẽ một hướng khác, chọn nghề khác với chuyên ngành cử nhân mình từng theo học không?

Em cũng còn nhiều điều phải học tập và cải thiện, nên em xin chia sẻ câu chuyện khi em chuyển ngành:

Khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, em nhận nhiều phản ứng trái chiều về quyết định đổi ngành. Nhiều người khuyên không nên vì sẽ bỏ phí 4 năm học kinh tế. Lúc đó em không dám khẳng định quyết định của mình đúng hay không, nhưng em tự tin vào khả năng thiết kế của bản thân và tin rằng mình có thể theo đuổi nó. Sau 5 năm học cử nhân và thạc sĩ ngành thiết kế, em nhận ra bằng cử nhân kinh tế có giá trị hơn em nghĩ. Dù không còn nhớ nhiều kiến thức, nhưng tư duy và hiểu biết tổng quát về kinh tế giúp ích rất nhiều trong quá trình học và làm nghề thiết kế. Em nhận ra rằng kinh tế hiện diện ở khắp mọi nơi, và kiến thức học được không hề bị bỏ phí, đúng như lời động viên của cô Guéguen Chantal và thầy Christophe Tavéra khi em do dự việc tiếp tục học thạc sĩ kinh tế hay đổi ngành.

Một lần nữa, Chị xin chúc mừng em và hy vọng logo do em thiết kế sẽ đồng hành cùng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế trên chặng đường mới, truyền tải trọn vẹn ý nghĩa và thông điệp về sự sáng tạo và tinh thần đổi mới. Chúc em tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong học tập và sự nghiệp sắp tới. Cảm ơn em về buổi phỏng vấn này.

Một số thiết kế Tuấn Anh từng dự thi và đạt giải 

 

Hà Phi Hường